Vì sao các quán cà phê rooftop cuốn hút người trẻ sau dịch?
Thay vì chọn những địa điểm không gian kín, từ sau dịch bạn trẻ lại rủ nhau đến các quán cà phê phong cách rooftop (sân thượng) để thả hồn vào làn gió mát lạnh trên cao, ‘chill’ cùng ly cà phê hay cocktail tròn vị…
Không gian thoáng để an toàn hơn
Từ khi TP.HCM bắt đầu bình thường mới trở lại, trên các hội nhóm review (giới thiệu) về quán cà phê, không khó để bắt gặp các nội dung chia sẻ và những lời rủ rê nhau của nhiều bạn trẻ đến những quán cà phê sân thượng. Bởi ở đó, các bạn tìm thấy được sự bình yên, được tận hưởng không khí mát lành và quan trọng hơn là không gian thoáng đãng khiến bạn trẻ an tâm hơn về vấn đề lây nhiễm dịch bệnh. Vì thế mà trào lưu cà phê rooftop trở nên “hót hòn họt” trên mạng.
Thùy và Nguyễn chọn không gian cà phê sân thượng để ngồi thư giãn ngày cuối tuần
Ghé quán cà phê Cipherz Rooftop trên đường Hoàng Sa (Q.1, TP.HCM), nơi được nhiều bạn trẻ lựa chọn, ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là “view” (khung cảnh) nơi đây rất đẹp. Từ trên tầng thượng của quán, có thể thu vào tầm mắt dòng kênh Nhiêu Lộc với những hàng hoa sứ hai bên đường đẹp như một bức tranh. Người bạn đi cùng với tôi phải thốt lên: “Hèn gì cà phê rooftop hot quá chừng”.
Trần Nguyễn Phương Thùy, sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing, thường xuyên chọn các quán cà phê sân thượng như thế này để ngồi cùng bạn bè. Cô chia sẻ: “Trước đây mình cũng thỉnh thoảng đến những quán theo phong cách này, từ sau dịch thì đây luôn là lựa chọn số một. Không gian quán thoáng mát, yên tâm hơn là ngồi trong các quán máy lạnh, mà còn được ngắm cảnh đẹp nữa”.
Không gian quán cà phê sân thượng cuốn hút người trẻ
Đi cùng Thùy là Hồng Lê Nguyễn, bạn học của Thùy. Nguyễn cho biết những quán như thế này bình thường là nơi rất thoải mái để có thể làm việc hoặc học bài, hàn huyên cùng bạn bè. Trong thời gian dịch bệnh còn phức tạp thì những nơi thế này lại càng tuyệt vời hơn.
“Theo như mình tìm hiểu thì không gian phòng kín có máy lạnh, vi rút sẽ tồn tại lâu và dễ lây lan hơn. Trong không gian thoáng đãng, tỷ lệ lây nhiễm bệnh sẽ giảm đi nhiều, nên mình rất thích những quán như thế này, vừa đảm bảo được an toàn, vừa thư giãn tinh thần”, Nguyễn bày tỏ.
Bắt “trend” khởi nghiệp với cà phê rooftop
Mang cái tên rất ấn tượng, quán cà phê Hailemot Rooftop (2001 Rooftop) trên tầng thượng một tòa nhà ở đường Võ Thị Sáu (Q.1, TP.HCM) thu hút rất nhiều bạn trẻ. Chủ nhân của quán cà phê này là 6 sinh viên tại TP.HCM, đều sinh năm 2001, và cái tên quán cũng từ đó mà ra.
Nắm bắt được nhu cầu của người trẻ sau dịch, ngày 7.10, khi TP.HCM bước vào cuộc sống bình thường mới, quán cà phê sân thượng của Nguyễn Vũ Quỳnh Như, Nguyễn Đỗ Ngọc Diệp, Nguyễn Ngọc Mai Thy, Chung Nhật Minh Phương, Quách Đoan Nghi và Lai Tuấn Lâm (đều là sinh viên tại TP.HCM) chính thức khai trương.
3 trong 6 sinh viên chọn khởi nghiệp với quán cà phê Hailemot Rooftop
“Tụi mình đều mê kinh doanh, trước đây cũng bán hàng trực tuyến các kiểu. Đi chơi thấy mô hình quán cà phê sân thượng này hay quá, tụi mình rủ nhau làm chung. Qua đợt dịch, nhận thấy mọi người rất chuộng những quán như thế này nên cả nhóm quyết tâm cùng khởi nghiệp”, Mai Thy kể về lý do 2001 Rooftop ra đời.
Vì còn là sinh viên nên cả nhóm đã phải dùng hết tiền dành dụm và mượn thêm người thân, góp vốn khởi nghiệp với cà phê rooftop.
“May mắn là ba mẹ đều ủng hộ. Tuy nhiên do khởi nghiệp trong tình hình dịch bệnh chưa biết thế nào nên nhiều người thân cũng có ý kiến trái chiều vì sợ rủi ro. Nhưng do đã quyết tâm và tụi mình cũng nhận thấy loại hình này đang có cơ hội nên không muốn chờ đợi thêm”, Quỳnh Như cho biết.
Cả nhóm đều rất thích Đà Lạt nên chọn tông màu và vật liệu chủ yếu là gỗ để trang trí quán. Chính vì thế, vào cuối mỗi buổi chiều, bước vào 2001 Rooftop, người trẻ như lạc vào không gian thư giãn của thành phố ngàn hoa giữa lòng Sài Gòn.
“Do kinh phí hạn hẹp nên tụi mình phải tự mua đồ về đóng, bàn cũng mua gỗ về tự đóng, nói chung là tiết kiệm nhất có thể. Hoàn thành không gian quán này là tụi mình không còn đồng nào trong túi”, Như cười kể lại.
Mỗi bạn trong nhóm học một ngành khác nhau nên có nhiều thế mạnh để tiện phân chia công việc. Bạn học về kiến trúc thì lo phần thiết kế, học ngành tài chính ngân hàng có lợi thế trong việc chi tiêu và quản lý tài chính của quán, có bạn trước đây chuyên bán đồ ăn trên mạng thì được giao lo phần thức ăn nhẹ tại quán… Chỉ riêng về pha chế, các bạn phải thuê thầy về dạy cho cả nhóm.
“Nói chung tụi mình tận dụng hết mọi nguồn lực trong nhóm để giảm chi phí, rồi nhân viên tại quán cũng là bạn bè đến hỗ trợ. Tụi mình chọn loại hình này cũng tiện vì bán vào chiều tối, tranh thủ học xong là chạy qua quán làm luôn, nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc học”, Mai Thy bày tỏ.
Thy cho biết cả nhóm rất hào hứng và tin tưởng vào lĩnh vực khởi nghiệp này, vì khi mới khai trương chủ yếu người thân, bạn bè đến ủng hộ, nhưng những ngày sau đó thì toàn những gương mặt lạ, đồng nghĩa với việc khách đã biết đến quán ngày càng nhiều. Đặc biệt, ngày cuối tuần quán gần như không còn ghế trống.