Nguồn cung hàng Tết dồi dào, doanh nghiệp cam kết không tăng giá, không thiếu hàng
Dự kiến sức mua những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp nghỉ Tết. Nguồn cung các mặt hàng hiện nay dồi dào.
Dự báo sức mua không tăng mạnh
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dự kiến sức mua những tháng giáp Tết Nguyên đán sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Về công tác chuẩn bị hàng Tết, mặc dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, tuy nhiên từ cuối năm 2021, các hoạt động kinh tế đang được hồi phục dần nên công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động triển khai sớm.
Theo thông lệ hằng năm, hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu… Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào. Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.
Tại phía nam, mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 trong thời gian dài nhưng nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết cũng đã được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuẩn bị tương đối tốt. Tuy nhiên, theo Vụ Thị trường trong nước, sức mua của người dân bị ảnh hưởng sau dịch bệnh nên lượng hàng chuẩn bị dự trữ tăng ít (khoảng 2-3%), có mặt hàng không tăng so với năm trước. Các doanh nghiệp chủ yếu tập trung dự trữ nhóm hàng thiết yếu. Căn cứ diễn biến cung cầu hàng hóa trên thị trường hằng ngày, các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm lượng hàng nhập để đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân và hạn chế chi phí hủy hàng tươi sống do cung vượt cầu.
Để góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT về tình hình cung-cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường bảo đảm cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý…
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, (trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ). Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa, bảo đảm không đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu cần thiết).
Dự trữ hàng hóa tính đến phương án dịch bệnh diễn biến phức tạp
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô mua sắm dịp Tết đã được 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia với tổng lượng hàng hóa các doanh nghiệp đăng ký thực hiện 18.000 tỷ đồng. Con số này gần gấp 3 lần kế hoạch dự kiến ban đầu (kế hoạch 5.600 tỷ đồng).
TP. Hà Nội cũng chủ động phương án đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán (123 siêu thị, 6.800 cửa hàng tiện lợi, 13.000 cửa hàng chuyên doanh, 1.900 điểm bán hàng tại các chợ truyền thống, 500 bếp ăn tập thể).
Các nhóm hàng bảo đảm cung cầu trong dịp Tết gồm: Các thực phẩm thiết yếu, như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi… cùng với đó là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như nông sản, lâm sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy… Nhóm hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng nằm trong danh sách chuẩn bị nguồn cung.
Sở Công Thương Đà Nẵng cũng cho biết, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến, 19 đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia dự trữ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán với tổng giá trị hàng hóa khoảng 1.900 tỷ đồng.
Thương nhân kinh doanh tại 4 chợ thuộc Sở Công Thương quản lý, bao gồm Chợ Cồn, Chợ Hàn, Chợ Đống Đa, Chợ Đầu mối Hòa Cường có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết ước khoảng gần 250 tỷ đồng (69 tấn gạo nếp, gần 30 tấn thịt các loại, hơn 4.000 tấn rau củ quả). Riêng chợ đầu mối Hòa Cường vào những ngày giáp Tết, lượng rau, củ, quả dự trữ từ 800-900 tấn/ngày. Ngoài ra, một số chợ lớn khác trên địa bàn thành phố cũng chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết ước hơn 300 tỷ đồng.
Tại TPHCM, theo kế hoạch trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 được Sở Công Thương TPHCM công bố, Thành phố đã chuẩn bị hơn 19.800 tỷ đồng hàng hóa.
Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.221 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1-30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 11.024,2 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.182,9 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bảo đảm được lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch Thành phố giao, nhiều nhóm hàng chiếm từ 22%-54,5%, đủ sức chi phối thị trường như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến…
Hệ thống đại siêu thị GO, Big C, và chuỗi siêu thị Tops Market (thuộc Tập đoàn Central Retail) cũng đưa ra hàng loạt chương trình kích cầu mua sắm hấp dẫn để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Trong đó, chương trình “Giá luôn luôn thấp” được áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu; chính sách “Khóa giá”, GO, Big C cam kết không tăng giá bán Tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, áp dụng với hàng ngàn sản phẩm…
UBND TPHCM cũng triển khai chương trình Thực phẩm bình ổn lưu động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người lao động, công nhân gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chương trình đã tổ chức bán hàng lưu động định kỳ tại Khu công nghiệp Pouyuen, Khu chế xuất Tân Thuận, Khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2…
Song song với việc chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ người dân trong dịp Tết, Vụ Thị trường trong nước cho biết, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì phương án bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 và đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng.