Người trồng cà phê gặp khó khăn chồng chất

Người trồng cà phê gặp khó khăn chồng chất

Người trồng cà phê vốn đã khó khăn vì giá cà-phê liên tục giảm mạnh, nay càng khốn đốn hơn khi giá thuê nhân công thu hái tăng cao.

Nhiều gia đình ở phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ, Đác Lắc) tự thu hái cà-phê nhằm giảm bớt chi phí.

Kiểu gì cũng… dở!

Vụ thu hoạch cà-phê năm nay thời tiết ở Tây Nguyên diễn biến bất thường, trời mưa nhiều nên việc thu hái, phơi, sấy, bảo quản, chế biến… đều gặp trở ngại, khiến người trồng cà-phê khó bảo đảm được nguồn thu.

Giá cà-phê hiện tại ở Đác Lắc và các tỉnh Đác Nông, Gia Lai, Lâm Đồng đang dao động ở mức 35.500 đến 36.000 đồng/kg. Như vậy, so thời điểm tháng 10-2017, giá cà-phê đã giảm tới 6.000-7.000 đồng/kg và giảm tới 10.000 đồng/kg so tháng 6-2017 khiến người trồng cà-phê thua lỗ. Đã vậy, với giá thuê nhân công thu hoạch 180.000-200.000 đồng/lao động/ngày như hiện nay thì khả năng lỗ nặng. Trong khi, nếu không thu hoạch thì cà-phê chín, rụng, lại mất thêm công lượm.

Gia đình ông Hoàng Văn Toàn ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo trồng gần ba ha cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Những năm trước đây, giá cà-phê ở mức cao, đầu vụ thu hoạch ông Toàn luôn thuê năm lao động ở trong nhà phụ giúp thu hái cà-phê đến cuối vụ, còn năm nay ông phải tính phương án khác.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cà-phê chín đỏ rực cây, ông Toàn cho biết: “Đến thời điểm hiện nay chỉ còn trên dưới 35.000 đồng/kg, trong khi đó giá các loại vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu… đều tăng cao, khiến người trồng cà-phê chúng tôi không có lãi. Để giảm bớt chi phí, tôi không thuê lao động nào ở trong nhà như những năm trước nữa mà khoán cho người dân địa phương thu hái. Việc khoán trong thu hoạch như thế này sẽ đỡ chi phí ăn, uống cho gia đình”.

Thời tiết diễn biến bất thường khiến việc phơi, sấy cà-phê gặp nhiều khó khăn.

Khắc phục khó khăn

Còn anh Nguyễn Văn Hải, ở thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo than thở: “Chưa nói đến phân bón, xăng, dầu, hay giá gas, chỉ đơn cử như giá thuê nhân công thôi, năm ngoái chỉ 150.000 đồng/lao động/ngày thì nay đã tăng lên 180.000-200.000 đồng. Nếu mình không thuê thì không có người thu hoạch, còn thuê người thì lỗ”. Với diện tích hơn hai ha nhưng vì giá cà-phê giảm, giá thuê nhân công tăng cao nên anh Hải chỉ thuê hai lao động ở trong nhà phụ giúp thu hái, khuân vác, phơi, sấy, còn lại anh thuê lao động ở địa phương thu hoạch theo ngày để giảm chi phí.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, tỉnh Đác Lắc Phan Tiến Dũng cho biết: Toàn huyện hiện có khoảng 31.000 ha cà-phê, với sản lượng hằng năm đạt trên dưới 69.000 tấn. Hằng năm cứ vào vụ thu hoạch cà-phê, nhu cầu thuê nhân công phụ giúp thu hoạch của nhân dân trên địa bàn là rất cao. Tuy nhiên, do năm nay giá cà-phê liên tục giảm, đồng thời các tỉnh miền trung vừa trải qua các đợt lũ lụt lớn nên người lao động ở khu vực này lên Tây Nguyên làm việc theo mùa vụ ít hơn các năm trước. Do khan hiếm lao động nên giá nhân công cao hơn các năm trước đây, cộng thêm giá cà-phê giảm mạnh khiến người trồng cà phê khó khăn chồng chất. Ngay từ đầu vụ thu hoạch, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng công an huyện, xã phối hợp với UBND các xã và lực lượng dân quân tự vệ tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, quản lý chặt nhân hộ khẩu trên địa bàn… để người dân an tâm thu hoạch trong điều kiện khan hiếm lao động.

Không chỉ ở huyện Ea H’leo, khi chúng tôi đến vùng trọng điểm cà-phê của tỉnh Đác Lắc như huyện Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Búc, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ…, đều chứng kiến không khí thu hoạch cà-phê không sôi nổi và phấn khởi như những năm trước đây. Trước kia, khi giá cà-phê ở mức cao, người lao động từ các nơi đổ về các địa phương này rất đông để phụ giúp người trồng cà-phê thu hoạch nên không khí lúc nào cũng tấp nập, khẩn trương, còn năm nay trầm lắng hơn. Ông Trần Văn Thái, ở xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar chia sẻ: Năm nay, hầu như chỉ những gia đình có đông lao động bỏ công ra làm theo kiểu “lấy công làm lãi” thì may đâu có lãi hoặc huề vốn, còn những gia đình thuê người làm thì lỗ. Bên cạnh đó, vụ thu hoạch cà-phê năm nay còn kéo dài thời gian hơn những năm trước đây do khan hiếm lao động và thời tiết không thuận lợi.

Nợ treo trước mắt

Việc hạn chế thuê người thu hái cũng chỉ là bất đắc dĩ và khá đau đầu đối với người trồng cà-phê ở Tây Nguyên, bởi cà-phê chỉ thu hoạch một lần, nếu thuê người thu hái thì lỗ mà không thuê lỡ xảy ra mất trộm càng thiệt hại nặng hơn. Bên cạnh đó, người trồng cà-phê ở Đác Lắc nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung không phải gia đình nào cũng có vốn để đầu tư, mà phần lớn đều phải vay ngân hàng, thậm chí là vay nóng bên ngoài để đầu tư, nay đến thời điểm trả nợ, giá cà-phê lại hạ thấp buộc người nông dân cũng phải bán để được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Gia đình ông Trần Hữu Thái ở xã Ea Toh, huyện Krông Năng trồng được 2,5 ha cà-phê, trong năm vừa qua ông vay 80 triệu đồng đầu tư cho vườn cà-phê, nay đến lúc phải trả nợ cả gốc lẫn lãi gần 100 triệu đồng, trong khi đó ông dự kiến chỉ thu được năm tấn cà-phê nhân. Ông Thái cho biết: “Nếu thu được năm tấn cà-phê nhân và với giá như hiện nay là 35.000 đồng/kg, tôi đã trả nợ và lãi vay hết hơn một nửa, chưa tính công chăm sóc, thu hái và chi tiêu trong gia đình, chưa nói đến vốn đầu tư cho năm sau. Làm nông dân mà thiếu vốn phải vay mượn để đầu tư chăm sóc thì có làm mấy cũng không khá lên được, đủ ăn là giỏi rồi”.

Không chỉ riêng ông Thái hay những nông dân chúng tôi gặp mà phần lớn người trồng cà-phê đều rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bởi phần lớn họ chỉ trồng độc canh cây cà-phê. Chủ tịch UBND xã Ea Toh Trần Thái Thạnh cho biết: Toàn xã có hơn 2.000 ha cà-phê kinh doanh với năng suất trung bình đạt 3,2 tấn/ha. Để khắc phục tình trạng thiếu nhân công thu hái, ngay từ đầu vụ thu hoạch, UBND xã đã chỉ đạo công an xã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành nắm bắt tình hình đăng ký tạm trú, tạm vắng, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm bảo đảm an ninh trật tự để người dân an tâm thu hoạch. Đối với người dân, đã thành lập các tổ đổi công ngay trong thôn, buôn nhằm khắc phục khó khăn trước mắt về nhân công thu hái cà-phê.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc Huỳnh Quốc Thích cho biết: Toàn tỉnh hiện có 202.476 ha cà-phê, trong đó có hơn 192.000 ha cà-phê kinh doanh cho thu hoạch, với sản lượng ước đạt hơn 450.000 tấn cà-phê nhân. Đến nay, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà-phê đã thu hoạch được hơn 65% diện tích. Năm nay, người trồng cà-phê gặp khó khăn, không có lãi, thậm chí là thua lỗ. Vì vậy, để giúp người trồng cà-phê giảm bớt khó khăn, Đác Lắc đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người đẩy nhanh công tác tái canh những diện tích cà-phê già cỗi để nâng cao năng suất, chất lượng cà-phê của tỉnh, đồng thời khuyến khích người dân trồng xen hồ tiêu hoặc các loại cây ăn trái khác trong vườn cà-phê để tăng thu nhập và phát triển bền vững.

Ông Thích cũng nhấn mạnh: thực tế cho thấy, những hộ trồng xen hồ tiêu, bơ hoặc sầu riêng trong vườn cà-phê cho thu nhập cao hơn nhiều so với những hộ chỉ trồng độc canh cây cà-phê. Đây cũng là hướng đi mới cần phát triển nhằm nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích ở Đác Lắc hiện nay.

Comments are closed.