Người mắc COVID-19 có nên uống cà phê?
Cà phê là thức uống phổ biến và ưa thích của rất nhiều người. Cà phê có nhiều lợi ích với sức khỏe như: chống oxy hóa, giảm căng thẳng, tăng năng lượng… Nhưng người mắc COVID-19 có nên uống cà phê hay không?
Lợi ích của cà phê với sức khỏe
Caffeine là một chất kích thích tự nhiên được tìm thấy trong cây trà, cà phê và cacao. Trong đó, cà phê là nguồn cung cấp caffeine lớn nhất.
Caffeine là một hợp chất hoạt động dược lý chính trong cà phê với khoảng 95mg caffeine trong một tách cà phê trung bình. Caffeine là một chất kích thích thần kinh trung ương nhẹ, giúp tăng cường năng lượng và tâm trạng, giúp chúng ta tỉnh táo hơn. Thậm chí ngửi mùi cà phê cũng có thể có tác dụng giảm căng thẳng.
Uống cà phê cũng có tác dụng lợi tiểu, tăng hiệu suất thể thao và phục hồi nhanh sau khi tập luyện. Các chất chống oxy hóa trong cà phê đã được chứng minh làm giảm viêm và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh mạn tính, bao gồm cả béo phì.
Một số nghiên cứu cho thấy, sử dụng caffeine thường xuyên có thể giúp hỗ trợ ngăn ngừa một số bệnh thần kinh như: Parkinson, Alzheimer, bệnh đa xơ cứng và động kinh. Tuy nhiên, cũng cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định rõ hơn tác dụng này của caffeine.
Uống cà phê giúp giảm căng thẳng, tăng năng lượng.
Uống nhiều cà phê có tốt không?
Cà phê chỉ có lợi khi bạn uống một lượng vừa phải (không quá 400 miligam caffeine mỗi ngày đối với người trưởng thành). Nếu uống quá nhiều cà phê có thể gây hại cho sức khỏe như: gây khó ngủ, mất ngủ, khó chịu ở dạ dày, gây cảm giác hồi hộp, lo lắng, tăng nhịp tim, tăng huyết áp…
Sử dụng quá nhiều caffeine có thể khiến bạn khó ngủ, thậm chí gây mất ngủ, đặc biệt nếu sử dụng quá gần giờ đi ngủ.
Caffeine là một chất kích thích có thể khiến tim bạn đập nhanh hơn. Tuy không phải là vấn đề quá nghiêm trọng nhưng nó gây cảm giác hồi hộp, bồn chồn, lo lắng không tốt.
Caffeine có thể làm tăng huyết áp của bạn trong thời gian ngắn và đôi khi cả về lâu dài. Do vậy, không phải ai cũng thích hợp với việc thường xuyên uống cà phê. Đặc biệt, nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc các vấn đề về tim nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng caffeine.
Caffeine là một chất lợi tiểu, có nghĩa là nó có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Tuy không gây mất nước đối với người khỏe mạnh bình thường và khi uống với lượng vừa phải nhưng trong trường hợp uống quá nhiều hoặc khi bạn đang ở trong điều kiện có nguy cơ mất nước như: ra nhiều mồ hôi, bị ốm sốt, nôn mửa, tiêu chảy…
Cà phê chỉ có lợi khi bạn uống một lượng vừa phải.
Người mắc COVID-19 không nên uống cà phê
Theo Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng để duy trì thể trạng và ngăn ngừa biến chứng, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
– Người nhiễm COVID-19 cần uống nhiều nước (40-45ml/kg cân nặng/ngày). Nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát. Nên uống nước lọc, nước ép hoa quả.
– Đối với người mắc COVID-19, khi biết mình nhiễm bệnh, tâm lý chung của đa số người bệnh là rất lo lắng, căng thẳng kèm theo triệu chứng mệt mỏi, khó ngủ, mất ngủ… thì việc uống đồ uống chứa nhiều caffeine gây kích thích thần kinh như cà phê sẽ không tốt cho sức khỏe.
Nhất là đối với những người ít có thói quen sử dụng cà phê thì càng có nguy cơ tăng biểu hiện hồi hộp, lo lắng, bồn chồn, tim đập nhanh, mất ngủ…
– Đặc biệt, trong trường hợp người mắc COVID-19 có triệu chứng sốt, tiêu chảy… không nên uống cà phê để phòng nguy cơ mất nước. Cách tốt nhất để tăng cường thể trạng là ăn uống đủ dinh dưỡng, uống nước ấm, nếu có sốt nên uống nhiều nước và uống dung dịch oresol để bù nước và điện giải.
Người mắc COVID-19 nên uống nước ấm rải rác trong ngày.
ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên: “Do caffeine có trong cà phê, trà, nước tăng lực… nên khi sử dụng những đồ uống này có thể làm tăng nhịp tim. Điều này xảy ra 15 phút sau khi uống cà phê và có thể kéo dài đến 6 giờ, chỉ với liều dùng khoảng 250mg đã có thể gây tác dụng tiêu cực đến hầu hết người sử dụng“.