MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU CÀ PHÊ VIỆT NAM

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU CÀ PHÊ VIỆT NAM

Cà phê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm nay đều đạt trên 3 tỷ USD, chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước. Tuy nhiên, trước sự thay đổi bất thường của thời tiết và ảnh hưởng của đại dịch Covid khiến việc xuất khẩu cà phê gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2020. Vậy, trong thời gian tới, ngành cà phê cần làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu.

Vài nét về sản xuất cà phê

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), diện tích cà phê của Việt Nam năm 2020 là 680.000 ha, giảm khoảng 2% so với năm 2019. Trong đó cà phê Robusta chiếm 93% diện tích, còn lại là cà phê Arabica. Bước sang năm 2021, dự báo diện tích sẽ còn giảm xuống khoảng 675.000 ha, nguyên nhân là do khi giá cà phê xuống thấp, người dân có xu hướng chuyển hướng sang trồng xen canh các loại cây ăn quả như xoài, sầu riêng. Còn theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, sản lượng cà phê niên vụ 2019 – 2020 đạt 1,8 triệu tấn, giảm 5% so với niên vụ 2018 – 2019. Dự báo sang niên vụ 2020 – 2021, sản lượng cà phê sẽ còn giảm khoảng 15% do ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ hồi tháng 10 và hạn hán hồi tháng 5 và tháng 6. Hiện tại, người dân đã thu hoạch được khoảng 60 – 70% sản lượng niên vụ cà phê niên vụ 2020 – 2021.

Theo xu thế thị trường, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất cà phê trong nước đã thay đổi phương thức sản xuất, trong đó khâu liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người nông dân được thắt chặt cả về quy trình trồng, chăm sóc, đến thu hoạch và chế biến cà phê. Điển hình cho sự thay đổi đó, là trên tổng diện tích 600.000 ha cà phê tại Tây Nguyên, đã có đến 50% diện tích trồng cà phê chuyển đổi theo hình thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, qua đó nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, phục vụ chế biến cho các thị trường xuất khẩu khó tính trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp cà phê đã chuyển hướng từ xuất thô sang đa dạng nhiều mặt hàng. Hiện cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. Nhờ đó, các sản phẩm cà phê của nước ta không những chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước.

Về xuất khẩu cà phê

Cà phê là một trong 10 sản phẩm chủ lực của Việt Nam được xuất khẩu (XK) sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu cà phê trên thị trường thế giới sụt giảm, xuất khẩu cà phê Việt Nam thêm năm thứ hai mất kim ngạch xuất khẩu vượt 3 tỷ USD. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2020 cả nước xuất khẩu 1,57 triệu tấn cà phê, kim ngạch 2,74 tỷ USD, giá trung bình 1.751,2 USD/tấn, giảm 5,6% về lượng, giảm 4,2% về kim ngạch nhưng tăng nhẹ 1,4% về giá so với năm 2019.

Đức là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam chiếm 14,3% trong tổng khối lượng và chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 223.581 tấn, tương đương 350,41 triệu USD, giá trung bình 1.567 USD/tấn, giảm trên 4% cả về lượng và kim ngạch, nhưng tăng 0,4% về giá;

Thị trường Đông Nam Á đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 160.997 tấn, tương đương 328,36 triệu USD, giảm 9,8% về lượng và giảm 8,6% kim ngạch. Tiếp sau đó là thị trường Mỹ đạt 142.482 tấn, tương đương 254,89 triệu USD, giảm 2,6% về lượng nhưng tăng 3,2% kim ngạch.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN & PTNT) đánh giá về giá cà phê trong nước năm 2020 biến động giảm trong 6 tháng đầu năm và tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm. Tồn kho cà phê tại các kho cảng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua là tín hiệu lạc quan cho thấy thị trường XK cà phê sẽ cải thiện trong năm 2021. Các thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam đều gặp thiệt hại lớn vì dịch Covid-19 và tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao, tăng cường nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà. Cùng với đó, thông tin thử nghiệm vắc xin sẽ thúc đẩy lượng XK tăng lên.

Theo các chuyên gia ngành cà phê dự báo, XK cà phê sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan trong những tháng đầu năm 2021 và kỳ vọng cả năm sẽ được cải thiện. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ngay trong tháng 6/2021 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 219 triệu USD, giảm 15,6% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với tháng 5/2021, so với tháng 6/2020 giảm 13,8% về lượng, nhưng tăng 0,6% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê ước đạt 825 nghìn tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 6/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 1.991 USD/tấn, tăng 6,5% so với tháng 5/2021 và tăng 16,8% so với tháng 6/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 1.839 USD/tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Liên quan tới XK cà phê năm 2021, một trong những yếu tố thuận lợi có thể nhìn thấy là tận dụng tốt hơn cơ hội từ FTA Việt Nam – EU (EVFTA) để thúc đẩy XK. Theo Bộ NN&PTNT, với việc thực thi Hiệp định EVFTA, EU đã xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 – 11% xuống 0%); các loại cà phê chế biến từ giảm 9 – 12% xuống còn 0% vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Đồng thời, trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi có chỉ dẫn địa lý về cà phê. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.

Bên cạnh những thuận lợi thì ngành cà phê Việt Nam còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trên thị trường xuất khẩu, cà phê Việt Nam được đánh giá chỉ có tiếng về sản lượng còn về chất lượng chưa được thừa nhận, giá trị hạt cà phê của Việt Nam chưa được cao. Nguyên nhân là do cà phê Việt Nam chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới; cơ cấu sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng thấp; xuất khẩu cà phê nhân chiếm đại đa số, chế biến sâu mới đạt 12%. Hơn nữa, tình trạng thiếu container để xuất khẩu do đó giá cước nhiều khả năng sẽ còn tăng trong thời gian tới. Điều này đang ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu cà phê. Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục phải cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác đặc biệt là Brazil. Với việc gia tăng mạnh về diện tích, sản lượng cà phê của Brazil – nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, cũng sẽ gây khó khăn không nhỏ cho xuất khẩu cà phê Việt Nam.

Cùng với khó khăn của thị trường xuất khẩu còn có khó khăn nội tại của ngành cà phê Việt như: Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành cà phê thấp và bấp bênh; các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào các sàn giao dịch cà phê; sản phẩm cà phê chế biến, thương hiệu cà phê của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu thế giới chưa đạt kỳ vọng; tình trạng cây cà phê thoái hóa đang tăng nhanh; sản xuất cà phê chịu nhiều bất lợi do biến đổi khí hậu.

Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu cà phê

Để tận dụng các cơ hội, hạn chế những khó khăn, hỗ trợ ngành cà phê tăng giá trị, duy trì vị thế thứ hai thế giới trong thời gian tới ngành cà phê cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, các Bộ, ngành và địa phương liên quan cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời khuyến khích, tăng cường liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê với mục đích ổn định xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường.

Hai là, tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch tái canh các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, chấp lượng kém theo chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025. Theo đó, giảm diện tích xuống còn 670 nghìn ha, sản lượng từ 1,8 đến 1,9 triệu tấn/năm; phát triển vùng sản xuất trọng điểm ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đẩy mạnh tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi; sử dụng 100% giống cà phê có năng suất, chất lượng cao; thực hiện trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm với những vùng cà phê tái canh có đủ điều kiện; tăng cường đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại; chú trọng và quan tâm hơn trong việc xây dựng thương hiệu phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của từng doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh, các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm và cách thức tạo dựng, quảng bá thương hiệu.

Bốn là, các doanh nghiệp cà phê cần tích cực tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế được tổ chức ở trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm bạn hàng xuất khẩu. Đồng thời, cập nhật thông tin và những thay đổi diễn biến thương mại để kịp thời điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình phù hợp với tín hiệu của thị trường.

Năm là, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cần thực hiện có hiệu quả các Hiệp định FTA Việt Nam đã tham gia ký kết vào hoạt động xuất khẩu cà phê, qua đó tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm xuất khẩu cà phê Việt Nam.

Comments are closed.