Làm cà phê sạch xuất khẩu, lợi nhuận triệu USD
Gia Lai – Các doanh nghiệp ở tỉnh Gia Lai đang hướng đến sản xuất, chế biến cà phê sạch để xuất khẩu đi thị trường Châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Nhiều doanh nghiệp thu lợi nhuận lớn nhờ chuyên chế biến cà phê sạch, cà phê đặc sản.
Gia Lai là “thủ phủ” cà phê của vùng Tây Nguyên với hơn 90.000ha cà phê thu hoạch. Sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết, nhiều doanh nghiệp cà phê ở tỉnh này đã tổ chức liên kết với người nông dân các huyện có diện tích đất lớn để làm cà phê sạch. Cà phê sạch không có hóa chất bảo vệ thực vật sẽ vào tiêu thụ được ở thị trường Châu Âu vốn đòi hỏi cao về tiêu chuẩn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Doanh nhân Nguyễn Hải Phong bên giàn cà phê sạch liên kết với người dân các huyện.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai- Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong tỉnh đã thực hiện liên kết, phát triển hàng chục nghìn ha cà phê theo các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 22000, VietGAP, GlobalGAP, Organic, 4C, UTZ…
“Thời gian qua, Sở Khoa học Công nghệ Gia Lai cũng đã tích cực hỗ trợ các đơn vị xây dựng Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cà phê Gia Lai. Điều này là tiền đề quan trọng để sản phẩm cà phê tại tỉnh tiếp cận và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, chúng tôi sẽ ưu tiên hỗ trợ lãi suất vốn vay cho những đơn vị doanh nghiệp đổi mới công nghệ”, bà Mai nói.
Cà phê sạch có lợi thế xuất khẩu ra thị trường Châu Âu.
Là một trong những đơn vị tiên phong làm cà phê sạch ở Gia Lai, Công ty TNHH Tropico Tây Nguyên tổ chức liên kết với người dân ở TP.Pleiku, huyện Mang Yang, Đak Đoa, Chư Prông. Theo anh Nguyễn Hải Phong (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tropico Tây Nguyên), điều khó khăn nhất vẫn là hướng dẫn người nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân hữu cơ để bón cà phê và tạo một hệ sinh thái ngay trong chính vườn cà phê của mình. Nhân viên công ty thường lui tới vườn cà phê của các hộ dân để động viên, hỗ trợ, giám sát làm cà phê sạch.
Công đoạn sơ chế cà phê sau khi được thu mua.
“Qua những giai đoạn rửa, bóc vỏ và phơi khô, độ sạch cà phê sẽ được tăng lên rất nhiều, loại bỏ được nhiều tạp chất, hạt cà phê sẽ mang đầy đủ hương vị của nó, đúng mùi vị trái cây. Mục tiêu của công ty chúng tôi là làm ra sản phẩm, bên cạnh đó là liên kết, mở rộng được mô hình này với nông dân thì càng đạt được sản lượng lớn”, Phong chia sẻ.
Ngoài cà phê sạch, Nguyễn Hải Phong còn chế biến cà phê xứ lạnh đặc sản arabica được trồng ở 2 huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Cây cà phê nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm lạnh, người đồng bào thiểu số không có thói quen sử dụng hóa chất nên chất lượng của hạt cà phê đặc biệt hấp dẫn hơn so với nhiều địa phương khác.
Phơi cà phê ngoài nắng tại huyện Chư Prông, Gia Lai.
Gia Lai hiện có 3 doanh nghiệp chủ lực tham gia xuất khẩu mặt hàng cà phê gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty TNHH Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam.
Trong đó, khá nổi tiếng là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp khi hàng năm xuất khẩu từ 50-70 ngàn tấn cà phê sạch các loại với khoảng 90% sản phẩm cà phê nhân xô, 10% cà phê rang xay và hòa tan, giá trị kim ngạch đạt khoảng 150 triệu USD. Hiện tại, Công ty xuất qua hơn 40 quốc gia, trong đó, thị trường chính vẫn là châu Âu với kim ngạch chiếm khoảng 60%.
Ông Thái Như Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: “Từ khi Chính phủ thông qua Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp phải xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững, chất lượng mới hấp dẫn được thị trường. Doanh nghiệp và người nông dân cùng dựa vào nhau, tạo nên tổ hợp tác, việc thu mua sản phẩm sạch do chính người nông dân làm ra, giá trị là đem lại cho người dân sự cân bằng trách nhiệm và môi trường”.