Chi phí nhượng quyền 9 thương hiệu café đang “hot” hiện nay
Những năm gần đây, xu hướng kinh doanh nhượng quyền café trở nên phổ biến. Chủ đầu tư chỉ cần bỏ một khoản phí để có thể kinh doanh dưới tên thương hiệu người khác đã xây dựng. Hoạt động kinh doanh cũng nhận được sự “dẫn đường vẽ lối” nên tỷ lệ thành công cũng tăng theo. Vậy kinh doanh nhượng quyền café như thế nào? Dưới đây là chi phí nhượng quyền những thương hiệu café đang “hot” mà bạn có thể tham khảo.
Kinh doanh nhượng quyền (Franchise) là gì?
Kinh doanh nhượng quyền (Franchise) là hình thức một cá nhân hoặc tổ chức nào đó sử dụng tên của thương hiệu khác. Cá nhân hay tổ chức nhận nhượng quyền phải trả một khoản phí nhất định theo tháng hoặc năm để duy trì hoạt động kinh doanh.
Các hình thức kinh doanh nhượng quyền
Nhượng quyền kinh doanh toàn diện (Full business format franchise): là hình thức nhượng quyền “trọn gói”. Khi nhượng quyền kinh doanh toàn diện, bên cung cấp nhượng quyền sẽ cho phép bên nhận nhượng quyền nhận 4 nội dung chính:
- Hệ thống kinh doanh: chiến lược, mô hình, quy trình vận hàng được chuẩn hóa, chính sách quản lý, cẩm nang điều hành, huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ khai trương, kiểm soát, hỗ trợ tiếp thị, quảng cáo.
- Bí quyết công nghệ sản xuất/ kinh doanh: công thức pha chế.
- Hệ thống thương hiệu.
- Sản phẩm/ dịch vụ.
- Bên nhận nhượng quyền sẽ trả một khoản phí để bên nhượng quyền hỗ trợ các công đoạn: thiết kế và trang trí cửa hàng, hướng dẫn địa điểm mua nguyên liệu và trang thiết bị, hỗ trợ Marketing,… Đây là hình thức nhượng quyền được áp dụng phổ biến ở thị trường Việt Nam.
Ví dụ: Nếu bạn nhận nhượng quyền cafe từ thương hiệu Trung Nguyên Legend, bạn sẽ nhận được hỗ trợ từ công ty chính từ khâu thiết kế, nguyên liệu, công thức cho đến máy móc và giấy phép kinh doanh.
Từ kinh nghiệm đồng hành, hỗ trợ cung cấp giải pháp công nghệ cho hơn 30.000 nhà hàng, quán cafe của iPOS.vn cho thấy, nhượng quyền thương hiệu đang trở thành xu hướng của ngành F&B vì giúp tăng khả năng kinh doanh thành công hơn 150% so với việc tự xây dựng một thương hiệu mới.
Nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện (Non-business format franchise): là hình thức nhượng quyền một mảng nào đó trong hệ thống kinh doanh. Ví dụ như nhượng quyền sản phẩm, nhượng quyền công thức và tiếp thị, nhượng quyền hình ảnh thương hiệu.
Với mô hình quán café này bên nhượng quyền cà phê sẽ không giám sát và can thiệp quá nhiều trong khâu vận hành cũng như sản xuất của bên nhận nhượng quyền.
Nhượng quyền có tham gia quản lý (Management franchise): Hình thức này thường được áp dụng tại các chuỗi cà phê lớn. Ngoài việc cung cấp hình thức kinh doanh và thương hiệu thì bên nhượng quyền cung cấp người quản lý và điều hành cho bên nhận nhượng quyền nhằm giúp việc giám sát cũng như vận hành quy trình kinh doanh dễ dàng hơn.
Starbucks coffee là ví dụ điển hình. Thương hiệu này yêu cầu nhượng quyền có sự tham gia quản lý từ công ty chính để luôn đảm bảo sự đồng bộ trong chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ.
Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn (Equity franchise): Ngoài việc nhượng quyền thương hiệu cà phê của mình, bên nhượng quyền cũng sẽ đầu tư một số nhỏ tiền vào cửa hàng nhận nhượng quyền. Điều này giúp bên nhượng quyền có ảnh hưởng trong hoạt động kinh doanh của cửa hàng.
Đặc điểm của hình thức kinh doanh nhượng quyền
Ưu điểm
Không tốn công xây dựng thương hiệu: Ở các hãng café nhượng quyền, bạn chỉ cần bỏ tiền ra mua lại thương hiệu và tiến hành kinh doanh. Bạn không cần tốn thời gian xây dựng kế hoạch kinh doanh riêng, công thức đồ uống, concept quán, menu quán cafe, v.v…tất cả đã có sẵn. Ngoài ra bạn còn được hậu thuẫn cả khâu quảng bá, giới thiệu cửa hàng.
Ví dụ: Bạn mở nhượng quyền cà phê Highlands coffee, phần đông các khách hàng đã biết đến thương hiệu này. Khi đấy bạn chỉ cần làm tốt khâu chuẩn bị và đưa cửa hàng của mình đi vào hoạt động dưới sự hỗ trợ của công ty chính.
Công thức đồ uống, concept có sẵn: Sau khi ký xong hợp đồng nhượng quyền cà phê, công ty chính sẽ hỗ trợ bạn đào tạo nhân viên pha chế đồ uống, cung cấp công thức chuẩn của hãng. Menu đồ uống cũng được đồng bộ, cả về chất lượng và số lượng. Ví dụ, đồ uống ở các quán Cộng Cà Phê đều giống nhau, chất lượng như nhau. Đến thiết kế quán cũng giống nhau đều là concept tái hiện lại không gian cuộc sống thời bao cấp.
- Đồng bộ trang thiết bị: Các quán cà phê nhượng quyền đều phải giống nhau cả về thiết bị vật dụng. Bạn sẽ được công ty chính cung cấp hoặc chỉ dẫn địa điểm mua. Không cần lo lắng rằng cần chuẩn bị những thiết bị nào? Mua ở đâu? Từ bàn ghế, cốc chén, vật trang trí cho đến hệ thống iPOS bán hàng, v.v… bạn sẽ được bên nhượng quyền hỗ trợ.
- Hỗ trợ hoạt động quảng cáo: Khi bắt đầu đi vào hoạt động, bạn sẽ được công ty tổng hỗ trợ quảng bá cửa hàng. Cứ thế việc kinh doanh của bạn sẽ thuận lợi hơn khi chẳng cần tốn thời gian xây dựng thương hiệu và tập khách hàng từ con số 0.
- Hồi vốn nhanh chóng: Khi mở quán café nhượng quyền là bạn đang kinh doanh trên thương hiệu người khác đã gây dựng thành công. Việc kinh doanh sẽ dễ dàng hơn và khả năng thu hồi vốn nhanh chóng. Trung bình bạn sẽ thu hồi vốn sau 2-3 năm nếu thị trường bình ổn.
Nhược điểm
- Hình thức dập khuôn không có sự sáng tạo: bạn kinh doanh nhượng quyền tức là đang kinh doanh dưới tên của người khác. Từ concept trang trí, menu đồ uống, giá, phong cách phục vụ,…đều đồng nhất và bạn không được phép sáng tạo thêm. Dẫn đến việc bạn không có khả năng làm mới để tăng thu hút cho quán cà phê của mình.
- Chi phí đầu tư lớn: Với những thương hiệu café lớn, chi phí ban đầu bỏ ra để nhận nhượng quyền khá là cao, từ 400 – 700 triệu/ năm hoặc nhiều hơn. Việc huy động nguồn vốn lớn để kinh doanh nhượng quyền cà phê cũng không phải chuyện dễ dàng.
- Ảnh hưởng từ cửa hàng khác cùng chuỗi: kinh doanh cùng một hệ thống, cơ sở khác có chất lượng đồ uống không đảm bảo, bị khách hàng tẩy chay thì quán của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
- Không phải là thương hiệu riêng của mình: Dù có thành công đi chăng nữa thì đó cũng không phải thương hiệu của riêng bạn. Bạn không được phép thay đổi, tùy chỉnh hay có quyền hạn gì đối với thương hiệu mình đang kinh doanh.
Các tiêu chí khi lựa chọn hình thức kinh doanh nhượng quyền
Khả năng tài chính: Trước khi xem xét lựa chọn thương hiệu nhượng quyền, bạn cần “cân đo” nguồn tài chính của mình xem sẽ phù hợp với giá của thương hiệu nào? Ví dụ: bạn có số vốn 800 triệu, muốn nhượng quyền cà phê, bạn tham khảo các thương hiệu: Starbucks, Highlands, Cộng cà phê, Milano, v..v…sau khi khảo sát về giá nhượng quyền của các thương hiệu, bạn sẽ xác định được đâu là thương hiệu mình có thể nhận nhượng quyền.
Điều kiện nhượng quyền: Bên cạnh việc đánh giá chi phí nhượng quyền cà phê, bạn cần xem xét các điều kiện nhượng quyền của thương hiệu nữa. Như điều khoản của Highlands là vị trí của bạn phải đặt ở khu vực trung tâm, mặt đường lớn hoặc các tòa nhà to. Diện tích mở phải lớn hơn 150m2, v.v… Khi xác định nhượng quyền Highlands Coffee, bạn có đáp ứng đủ được những yêu cầu trên?
Hiệu quả kinh doanh: Bạn cần tìm hiểu thêm về tình hình kinh doanh, doanh thu của các thương hiệu nhượng quyền. Không ai lại bỏ ra số tiền lớn để nhận nhượng quyền một thương hiệu sắp sụp đổ hay có tình hình kinh doanh kém cả. Lưu ý, sau khi xác định thương hiệu cà phê nhượng quyền, bạn cần khảo sát thêm vị trí mình mở có bao nhiêu quán cùng chuỗi. Nếu hai quán café nhượng quyền ở cạnh nhau, khách hàng của bạn sẽ bị chia sẻ.
Vậy nên hay không nên kinh doanh nhượng quyền café?
Nếu bạn là người mới bắt đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng thương hiệu hay am hiểu về thị trường. Bạn chỉ đang muốn thử sức kinh doanh, thì lựa chọn kinh doanh nhượng quyền cà phê sẽ là giải pháp an toàn. Ngoài ra, nếu bạn đầy tham vọng và mong muốn làm chủ một thương hiệu riêng. Bạn có đầy đủ nguồn lực như: tài chính, kinh nghiệm quản lý, đội ngũ hỗ trợ,… Bạn hoàn toàn có thể xây dựng một thương hiệu cà phê của riêng mình. Dựa vào ưu và nhược điểm của hình thức kinh doanh nhượng quyền, xem xét nguồn lực để tìm câu hỏi cho riêng mình nhé!
Chi phí nhượng quyền 9 thương hiệu café nổi tiếng tại Việt Nam
Lưu ý: Số liệu bên dưới được cập nhật từ cuối 2019, sẽ có những thay đổi nhỏ tính tới thời điểm hiện tại.
Nhượng quyền Highlands Coffee
Năm 1999, Highlands Coffee chính thức được thành lập, với tầm nhìn trở thành thương hiệu cà phê và trà được yêu thích nhất tại Việt Nam và tự hào chia sẻ với thế giới. Tính đến tháng 8/2019, Highlands Coffee là chuỗi cà phê có số lượng quán lớn nhất tại Việt Nam với hơn 300 quán trải dài trên khắp 24 tỉnh thành. Highlands Coffee trở thành lựa chọn ưu tiên cho các chủ đầu tư muốn tìm kiếm thương hiệu nhượng quyền:
- Giá nhượng quyền thương hiệu của Highlands Coffee khoảng 3,5 – 5 tỷ đồng.
- Phí nhượng quyền hàng tháng: 7%
- Phí quản lý hàng tháng: 5%
- Yêu cầu địa điểm: diện tích trên 150m2, nằm ngay ngã ba hoặc ngã tư khu vực có đông dân cư hoặc trong các tòa nhà văn phòng, căn hộ, trung tâm mua sắm.
Highlands hỗ trợ khi nhượng quyền:
- Đào tạo tại chỗ: 28-42 ngày.
- Đào tạo tại trụ sở: 5 ngày.
- Đào tạo bổ sung: tại các trung tâm đào tạo.
- Hỗ trợ marketing, truyền thông các hoạt động ngày khai trương.
Nhượng quyền Milano Coffee
Milano Coffee ra đời vào năm 2011, chỉ sau 6 năm hoạt động, Milano đã có hơn 1400 cửa hàng trên toàn quốc. Doanh thu của các cửa hàng trung bình trên 40 triệu đồng mỗi tháng. Giá cả bình dân từ 15-25.000 đồng/ly. Không gian quán đơn giản, giống với kiểu café cóc truyền thống của Việt Nam. Chi phí nhượng quyền thương hiệu này khoảng 90 triệu đồng bao gồm:
- Chi phí nhượng quyền hàng năm là 10 triệu đồng/năm.
- Tiền setup quán: 55 triệu đồng.
- Tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên, chi phí nguyên vật liệu,v.v… khoảng: 25 – 35 triệu đồng
- Yêu cầu mặt bằng tương đối lớn (trên 50m2) nằm ở những vị trí thuận lợi cho công việc kinh doanh như gần khu dân cư, gần trung tâm thương mại,…
Nhượng quyền Trung Nguyên Legend Café
Trung Nguyên Legend Café là cái tên không thể bỏ qua cho những chủ đầu tư có dự định mở nhượng quyền café tại Việt Nam. Được thành lập từ năm 1998, đây là thương hiệu có nhiều thành công, làm nên tên tuổi của cà phê Việt. Phí nhượng quyền của Trung Nguyên Legend Café tối thiểu là 3,5 tỷ đồng bao gồm: Chi phí nhượng quyền, chi phí đào tạo, chi phí quản lý, chi phí setup,…
Điều kiện kinh doanh cafe nhượng quyền với Trung Nguyên:
- Địa điểm: Vị trí thuận lợi giao thông, khu vực trung tâm đông dân, diện tích mặt bằng rộng tối thiểu 140m2.
- Phí hàng tháng: 5% doanh thu.
Nhượng quyền Viva Star Coffee
Thương hiệu Viva Star Coffee được thành lập từ năm 2013, sau hơn 8 năm phát triển, Viva Star Coffee đã vươn lên thành 1 trong 10 thương hiệu café nhượng quyền nhiều nhất của Việt Nam. Giá của mỗi ly café dao động từ 25-35.000 đồng.
Phí nhượng quyền Viva Star Coffee là 286 triệu (+VAT) VNĐ cho hợp đồng 5 năm và được hỗ trợ:
- Chuyển giao mô hình.
- Đào tạo nhân viên.
- Các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó Viva Star Coffee có những gói nhượng quyền khác nhau, tùy theo nhu cầu và nguồn lực của người muốn nhận nhượng quyền.
Nhượng quyền Laha Café
Sau 7 năm hoạt động, bắt đầu với một chiếc bàn đặt thùng đá và chai cà phê pha phin pha sẵn ở đường Nguyễn Thái Sơn – Gò Vấp, đến nay Laha Café đã có 100 cửa hàng tại Tp. Hồ Chí Minh. Laha Café có 3 hình thức nhượng quyền để đối tác lựa chọn: Xe đẩy, Kiosk, Store với số vốn từ 60 triệu đến 1,5 tỷ.
- Hỗ trợ tư vấn setup, giới thiệu những đơn vị cung cấp thiết bị,…
- Yêu cầu mặt bằng ở những khu vực đông người qua lại, vị trí rộng đẹp với mô hình store và trên 9m2 với mô hình Kiosk.
Nhượng quyền Aha Cafe
Đối với những ai ưa thích cà phê đường phố ở Hà Nội có lẽ không còn xa lạ với cái tên Aha cafe, chuỗi đồ uống chuyên phục vụ các món truyền thống như trà, cà phê và kem. Hiện nay Aha coffee có hơn 50 cửa hàng trên khắp cả nước.
Chi phí nhượng quyền thương hiệu của Aha cafe rơi vào khoảng 1,1 – 1,5 tỷ gồm các yêu cầu:
- Phí hàng tháng: 5% doanh thu
- Mặt bằng có không gian mở rộng trên 120m2
Nhượng quyền Gemini Coffee
Là thương hiệu phát triển cùng thời với The KAfe, Urban Station cho đến nay Gemini Coffee chứng minh sức sống khỏe khi liên tục mở điểm bán mới. Hiện Gemini Coffee đang sử dụng phần mềm quản lý bán hàng iPOS cho toàn bộ hệ thống để kiểm soát và đồng bộ dữ liệu. Đến nay hệ thống đã có 32 cửa hàng trải dài từ Bắc và Nam và liên tục tìm kiếm đối tác nhận nhượng quyền.
Để kinh doanh nhượng quyền Gemini Coffee bạn cần chuẩn bị số vốn khoảng 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng trong đó:
- Phí nhượng quyền 150 triệu cho 5 năm đầu tiên.
- Phí hàng tháng: 5% doanh thu.
- Yêu cầu mặt bằng rộng thoáng, gần khu vực đông dân cư.
Nhượng quyền Napoli Coffee
Napoli Coffee là thương hiệu lâu đời đến từ Gia Lai, được biết đến với cam kết cà phê sạch, nguyên chất, tuyệt đối nói không với các chất phụ gia. Trong hơn 20 năm phát triển, Napoli đã có hơn 2000 cửa hàng trải trên 21 tỉnh thành phố. Thương hiệu này cũng đã đặt chân tới Trung Quốc, Hàn Quốc và rất được ưa chuộng.
Chi phí nhượng quyền thương hiệu này bao gồm:
- 70 triệu cho một hợp đồng 5 năm.
- Phí hàng tháng: có thể thỏa thuận.
- Chi phí đầu tư trang thiết bị: khoảng 500 triệu.
Nhượng quyền E-Coffee
E-Coffee là mô hình kinh doanh nhượng quyền 0 đồng của Trung Nguyên, ra mắt tại Tp. Hồ Chí Minh từ tháng 8/2019. Với mong muốn tăng tốc hiện thực hóa mục tiêu 3.000 cửa hàng trên 63 tỉnh thành vào năm 2020, trở thành hệ thống cửa hàng bán lẻ thế giới cà phê số 1, sự kiện về nhượng quyền 0 đồng thu hút gần 1,000 người đăng ký tìm hiểu về mô hình kinh doanh này.
Tiêu chí tìm kiếm đối tác nhượng quyền đơn giản:
- Mức chi phí đầu tư: chỉ từ 65 đến 175 triệu đồng
- Diện tích mặt bằng cần thiết: từ 4m2 trở lên.
- Phí nhượng quyền 0 đồng.
- Đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng.